Thứ Sáu, 1 tháng 12, 2017

Bạn có đang hạnh phúc?

Qua tivi, báo chí, chắc chắn ít nhất một lần bạn đã đọc và nghe thông tin về những vụ tai nạn thương tâm của những người di cư trái phép khi tìm cách vượt biển trên những con tàu thô sơ không có bất kỳ đồ cứu hộ nào? Bạn đã từng xúc động khi thấy hình ảnh những đứa bé vô tội bị chết bởi chiến tranh hoặc chết trên đường vượt biên cùng bố mẹ? Và bạn có bao giờ tự hỏi tại sao có những người chấp nhận mạo hiểm cả tính mạng của mình và con cái mình, từ bỏ nơi mình sinh ra, để tìm mọi cách nhập cư vào quốc gia khác, mặc dù có lẽ họ cũng biết tỷ lệ thành công là rất thấp và ngay cả khi thành công nhập cư được thì họ cũng chỉ là những người nhập cư trái phép, không có hoặc có rất ít quyền công dân? Nếu đã từng tự hỏi như thế, bạn sẽ học hỏi được nhiều điều từ bức thư của một cô bé học sinh lớp 9, dù còn nhỏ tuổi nhưng suy nghĩ của cô bé thật sự rất sâu sắc, một bức thư ngắn nhưng có thể chạm đến trái tim mỗi người... Chúng ta những người Việt Nam trẻ, không phải trải qua chiến tranh nhưng qua bức thư này, mỗi người chúng ta có thể trân trọng hơn sự bình yên, hòa bình mà chúng ta đang được tận hưởng, bởi vì đó là thành quả mà các thế hệ đi trước đã phải hy sinh bằng xương máu của mình, và bởi vì, trên thế giới này, vẫn còn rất nhiều đất nước đang phải trải qua nỗi đau chiến tranh và rất rất nhiều người không may mắn được như chúng ta... Đối với họ, đôi khi chỉ cần được sống đã là hạnh phúc...

(Sau đây là bức thư đoạt giải Nhất cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 45 trích từ báo Tienphongonline)

Nguyễn Thị Thu Trang, học sinh lớp 9B, trường THCS Nguyễn Trãi, huyện Nam Sách, Hải Dương (năm học 2015 - 2016) đã xuất sắc vượt qua hàng trăm bức thư của các thí sinh đến từ nhiều quốc gia trên thế giới để giành giải Nhất quốc tế cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 45.
Từ chủ đề cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 45: “Hãy viết một bức thư cho chính mình năm 45 tuổi”, Thu Trang đã hóa thân thành cậu bé Aylan Kurdi- người thiệt mạng trên bờ biển Bodrum, Thổ Nhĩ Kỳ trong chuyến vượt biển cùng gia đình để viết thư cho chính mình vào năm 45 tuổi.
Bức thư viết tay dài 3 trang nhận được đã nhận được sự đánh giá rất cao từ Ban giám khảo cuộc thi viết thư Quốc tế UPU, đưa Việt Nam lần thứ 2 nhận vinh dự này.

“Thiên đàng, ngày 1/1/2016.


Xin gửi lời chào tới anh bạn tương lai của tôi!


Vậy là đã gần bốn tháng kể từ ngày tôi rời xa dương thế. Có lẽ sự từ giã trần thế quá sớm khiến tôi trưởng thành hơn để hôm nay tôi viết bức thư này cho anh. Tôi – bé Aylan Kurdi 3 tuổi người Syria – được cả thế giới biết đến với giấc ngủ vĩnh hằng trên bờ biển Bodrum Thổ Nhĩ Kỳ, viết cho anh – là tôi của tuổi 45 còn sống nơi trần thế. 
Nghe có vẻ vô lý anh nhỉ? Tôi đã chết thì làm gì có anh! Nhưng tại sao lại không thể khi mọi thứ đều trong một giấc mơ – cả tôi và anh. Những thiên thần sẽ giúp tôi gửi bức thư này đến anh.
Anh bạn thân yêu! Giờ đây tôi đang ở trên thiên đàng – một thế giới kì diệu lung linh biết mấy. Nơi này chẳng có ngày hay đêm. Mặt trời, vầng trăng và cả những vì sao lấp lánh cùng nhau tỏa sáng, không gian lúc nào cũng trong veo như pha lê. Mẹ và anh trai tôi đang mỉm cười cùng những linh hồn khác. 
Chúng tôi không có quốc gia, không phải di cư, không phân biệt tôn giáo, không có khủng bố hay bạo lực… Tất cả đều như nhau – những linh hồn bay nhẹ nhõm, thanh thản và bình yên.
Giờ đang là giao thừa. Từ trên đây, chúng tôi có thể ngắm nhìn cả trái đất. Ngắm nhìn những chùm pháo hoa lộng lẫy bung nở trong màn đêm và lắng nghe tiếng chuông ngân vang. Dưới đó là những mảng màu tương phản. Có những nơi rực rỡ trong ánh sáng, lại có những mảng tối im lìm đâu đó. 
Tiếng chuông lẫn trong tiếng súng, hạnh phúc ở cùng với bất hạnh, thù hận đi liền với tình yêu… Chao ôi, cuộc sống nơi trần thế! Giờ thì tất cả đã quá xa vời.
Anh bạn tuổi 45 ơi, anh còn nhớ chứ! Chúng ta theo cha mẹ chạy trốn khỏi chiến tranh và bạo lực đẫm máu nơi quê nhà Kobani với giấc mơ về “miền đất hứa” ở trời Âu. Vậy mà, giấc mơ ấy chấm dứt chỉ 20 phút sau khi chiếc thuyền khởi hành. Biển dậy sóng, thuyền lật úp, bàn tay bé nhỏ của tôi buông rời tay mẹ. Tôi đã hét lên: “Bố ơi, xin đừng chết!”. 
Tôi đã vật lộn với những con sóng, đã cố bấu víu lấy sự sống mong manh, đã vẫy vùng trong tuyệt vọng. Nhưng đứa bé ba tuổi thì có thể làm gì được giữa biển cả mênh mông trong đêm tối mịt mù? Và rồi... biển cả rộng mở đón tôi vào lòng. Biển cả cũng rất khoan dung khi thay vì nhấn chìm tôi đã đưa tôi vào bờ, nằm yên trên nền cát. Hẳn anh còn nhớ hình ảnh của tôi khi ấy. Bé bỏng. Áo màu đỏ và quần xanh lam. Chân đi giày. Hai tay xuôi theo chiều chân. Tôi nằm yên trên bãi biển. Mặt úp xuống bờ cát hiền hòa như đang say ngủ. Xung quanh, những con sóng vỗ về. Một giấc ngủ dài. Vĩnh viễn.
Và người ta còn vẽ lên bức hình tôi đôi cánh của thiên thần. Đây, dĩ nhiên không phải là cách người ta “cường điệu hóa” hay “thi vị hóa” một cái chết. Đây là sức lay động từ một cái chết và là cách người ta làm dịu lại nỗi đau. Nhưng dù thế nào đi nữa thì một sự thật vẫn luôn hiện hữu. Một cuộc đời đã chấm dứt. Đứa trẻ mãi mãi tuổi lên ba. Tôi và gia đình đã sống sót qua mưa bom bão đạn ở Syria bất ổn, nhưng lại bỏ mạng khi đang trên đường tìm một nơi bình yên khác để sống. Cái chết quá sức đau đớn và quá sức vô lý. Hình ảnh tôi được chia sẻ rộng rãi trên các trang mạng xã hội và các phương tiện truyền thông. Họ đã nói những gì? “Thảm họa nhân đạo mang tính toàn cầu”, “Biểu tượng của nỗi đau mà người dân Syria phải hứng chịu cũng như nỗ lực tuyệt vọng để thoát khỏi nỗi đau ấy” rồi “khiến thế giới câm lặng” hay “thức tỉnh lương tri”. 
Chao ôi, 3 năm – một cuộc đời! Giá không có chiến tranh và bạo lực; giá tôi được đi trên chiếc thuyền chắc chắn hơn; giá bố mua được cho tôi chiếc áo phao; giá các nước châu Âu mở rộng đường biên giới; giá như... thì có lẽ tôi đã không phải chết!
Giờ thì thân xác tôi đã được trở về nơi quê nhà. Một hành trình trở về đất mẹ gian truân, nhọc nhằn. Nhưng là trở về sau khi đã chết. Trở về cái nơi tôi đã tháo chạy. Trở về chỉ đề nằm dưới lòng đất. Đúng là một kiếp người dạt trôi, một phận người bèo bọt!
Nhưng anh ạ, dù sao thì tôi cũng được nhiều người biết đến, được an ủi. Còn hàng nghìn, thậm chí hàng triệu cái chết khác thì sao? Hàng nghìn người di cư đã bỏ mạng khi vượt Địa Trung Hải, hàng nghìn đứa trẻ đã chết vì đói, vì rét, vì bệnh tật, hàng trăm người đã chết vì khủng bố. Có những người biết là sẽ chết khi phải vượt biển di cư nhưng không làm khác được. 
Một người đồng hương Syria của tôi đã viết thế này trước khi chết chìm anh ạ “Cảm ơn biển cả đã chào đón chúng tôi mà không đòi hỏi visa... mà không hỏi tôn giáo của tôi là gì...”. Thế đấy, có những cái chết được người ta xoa dịu. Có những cái chết được người ta tưởng nhớ. Nhưng cũng có cái chết bị bỏ rơi, quên lãng. Chao ôi, chỉ có chết mới hết bất công sao? Hay đến chết cũng chưa hết bất công?
Và từ nơi đây, từ trong đau đớn, tột cùng của một đứa trẻ đã chết, từ trong yên bình, nhẹ nhõm nơi thiên đàng, tôi viết thư cho anh – là tôi, 45 tuổi còn sống nơi trần thế. Anh sẽ hỏi sao không phải một độ tuổi nào khác? Anh bạn, tôi chọn anh – tuổi 45 – là bởi khi ấy ta đã định vị được bản thân trong cuộc đời. Khi tôi 45 tuổi, còn sống – là anh – ta sẽ thế nào nhỉ? Một ông bố? Một công chức bình dân? Hay một nhân vật có khả năng thay đổi thế giới? 
Anh biết đấy, Steve Jobs của Apple cũng là con một người di cư. Và ta sẽ sống ở đâu? Trở về quê hương Syria hay ở miền đất hứa trời Âu? Thế giới khi ấy sẽ ra sao? Có như thiên đàng tôi đang sống không? Tuổi 45 ngỡ sẽ đến như một lẽ tự nhiên ư? Không! Có những tuổi 45 mãi mãi chỉ là ước mơ không thành hiện thực. Ai sẽ cho tôi và những đứa trẻ như tôi tuổi 45? Ai sẽ cho chúng tôi cuộc đời? Làm sao để tất cả mọi người đều có tuổi 45, tuổi 55 và hơn thế nữa? Câu hỏi ấy ai sẽ trả lời cho tôi – thưa anh!
Thân ái!
Tôi – là anh từ trên thiên đàng”.
----------------------
Những người nhập cư – họ có thể làm gì khi không có lựa chọn, ở lại đất nước chìm trong chiến tranh liên miên, có thể chết bất kỳ lúc nào vì bom rơi đạn lạc hoặc nếu không, cũng có thể chết vì nghèo đói, bệnh tật hay tìm cách vượt biên ra nước ngoài, chấp nhận một tương lai mờ mịt, đầy rẫy những khó khăn, nguy hiểm thậm chí cũng có thể chết trên đường? Họ cũng là những người dân bình thường, hoàn toàn vô tội, trong đó, có cả những cụ già, những em nhỏ, những người đáng lẽ ra phải được chăm sóc, quan tâm… Nhưng chiến tranh, và những kẻ gây ra chiến tranh không cho họ sống một cuộc sống yên bình, sự yên bình mà đối với rất nhiều người, như những người trẻ Việt Nam hiện tại coi là đương nhiên phải có, như không khí và nước vậy… Nếu bạn đang cảm thấy chán nản, đang cảm thấy cuộc đời mình toàn những chuyện không hay, hãy nhớ đến họ, nhớ đến hình ảnh em bé nằm cô độc trên bờ biển để thấy rằng, bạn, nếu vẫn còn nhà cửa, nếu vẫn còn người thân, hay đơn giản, vẫn còn được sống – vẫn hạnh phúc hơn rất nhiều, rất nhiều người…
Như một đoạn rất hay tôi đã được đọc ở đâu đó:
“Có nhiều người luôn than thở, phàn nàn về số phận của mình. Tuy nhiên, họ không biết rằng, trên trái đất này còn có rất nhiều người kém may mắn hơn họ. Nếu như bạn có một trong 6 điều dưới đây, hãy lạc quan và yêu đời hơn, bởi bạn đang may mắn hơn rất rất nhiều người trên trái đất này.
1. Nếu bạn có thực phẩm để ăn, có áo quần để mặc, có một mái nhà để che và một nơi nghỉ qua đêm là bạn đã giàu hơn 75% thế giới này.
2. Nếu bạn có tiền tiêu trong ví, có tiền ban phát cho người nghèo, có tiền để dành trong ngân hàng, bạn thuộc 8% những người giàu nhất thế giới.
3. Nếu bạn thức dậy vào buổi sáng và cảm thấy khoẻ hơn hôm qua thì bạn đã may mắn hơn 1 triệu người không thể sống qua nổi tuần này.
4. Nếu bạn chưa bao giờ trải qua nguy hiểm của chiến tranh, chưa bao giờ trải qua tù tội, đớn đau của tra tấn hay vật vã của đói khát thì bạn đã hạnh phúc hơn 500 triệu người trên thế giới.
5. Nếu bố mẹ bạn còn sống và hạnh phúc bên nhau thì trường hợp của bạn không nhiều đâu.
6. Và cuối cùng, nếu bạn đọc được thông điệp này thì bạn đã sung sướng hơn 2 tỉ người trên thế giới chẳng bao giờ có cơ hội đọc được thứ gì cả.
Rất nhiều người mong muốn được như bạn. Hãy ngừng than thở và nâng niu những gì bạn có nhé!”
-----------------

P.S: Bức thư của cô bé tôi đọc cách đây đã một năm trước, nhưng đến hôm nay vẫn thấy còn nguyên tính thời sự và vẫn rất ý nghĩa….

Thứ Năm, 30 tháng 11, 2017

Đồng cảm có luôn thực sự tốt?

      Đồng cảm luôn được gắn với sự tích cực, vì chỉ khi chúng ta đồng cảm, biết đặt mình vào hoàn cảnh của người khác thì chúng ta mới có thể thực hiện những hành vi tốt đẹp như giúp đỡ những người bị hoạn nạn, bênh vực người yếu thế, chống lại những điều xấu, điều tiêu cực... nhưng cho dù như vậy thì đồng cảm có luôn thực sự tốt? 
       Chiều nay trên đường đi làm về, tôi nghe một chương trình trên sóng FM - Kết nối 54 - chuyên mục về những hoàn cảnh éo le của đồng bào dân tộc cần được sự giúp đỡ từ cộng đồng, và ngày hôm nay là câu chuyện về một cậu bé bị bỏng điện rất nặng, nếu không chữa trị có thể nguy hiểm đến tính mạng nhưng gia đình cậu quá nghèo để trang trải số tiền đó. Nghe bố của cậu bé nói cả nhà đã bán hết những đồ đạc có giá trị và vay mượn tất cả những ai có khả năng nhưng vẫn lực bất tòng tâm, giờ 2 vợ chồng phải qua ngay bằng những bát cháo từ thiện tại bệnh viện để chăm con, và anh nói sắp tới sẽ trở về nhà để làm thuê kiếm tiền chữa trị cho cậu cho dù biết rằng ở vùng quê miền cao toàn sỏi đá, tiền làm thuê ít ỏi cũng chẳng thấm vào đâu so với chi phí nhưng còn nước còn tát… đặt mình vào hoàn cảnh của người bố, người mẹ có con như vậy, thật sự cảm thấy rất thương cảm. Rồi nghĩ về nhiều hoàn cảnh khác mình đã biết được qua thông tin báo chí, truyền hình hay chính là những người xung quanh mình, còn biết bao người đang phải sống trong sự đau khổ, bất lực vì nghèo, vì bệnh tật hoặc vì cả hai. Chắc chắn, khi biết được những số phận này và nghe sự kêu gọi ủng hộ, sẽ có rất nhiều người sẵn sàng cho đi để giúp đỡ họ, có thể là nhiều, có thể là ít… Đây chính là mặt tích cực không thể phủ nhận của sự đồng cảm. 
        Nhưng sự đồng cảm chính xác như ánh sáng của đèn pin, chỉ có thể soi sáng những nơi ta hướng sự chú ý vào, còn xung quanh đó vẫn là cả một khoảng tối mênh mang. Ta chỉ có thể đặt mình vào hoàn cảnh của những con người ta được biết, được gặp hoặc được nghe kể - nghĩa là những số phận cụ thể. Tuy nhiên, chưa nói đến dân số gần 7,5 tỷ người trên thế giới, chỉ cần tính trong 95 triệu người Việt Nam, còn biết bao số phận, hoàn cảnh éo le khác mà ta không thể biết được. Dù rằng, hàng ngày, ta vẫn nghe đài báo ra rả những số liệu thống kê về tỷ lệ đói nghèo, những số liệu thống kê về những người bị mắc bệnh hiểm nghèo; nhưng thường ta để những con số đó trôi qua mà không chút ấn tượng gì. Vì đơn giản, ta không thể đồng cảm qua những con số cứng nhắc đó. 
      Tuy nhiên, điều tệ nhất là, sự đồng cảm với một vài trường hợp đặc biệt có thể khiến chúng ta hình thành những định kiến méo mó. Như thời gian vừa qua, xảy ra một vài trường hợp trẻ nhỏ tử vong vì tiêm vắc-xin, và liên tục trong nhiều ngày, báo chí, mạng xã hội không ngừng nói về sự đau khổ của những gia đình không may bị mất mát. Đúng là cần phải đồng cảm với hoàn cảnh của họ nhưng không thể chỉ vì thế mà ta tẩy chay, phủ nhận hoàn toàn tác dụng của vắc-xin. Nhưng thực tế đã có rất nhiều ông bố bà mẹ không cho con cái đi tiêm, thậm chí còn kêu gọi mọi người tẩy chay vắc-xin mà quên mất rằng, luôn luôn có một tỷ lệ xấu nhất định trong bất kỳ phương pháp phòng chữa bệnh nào, vấn đề là y học đã nghiên cứu và chứng minh rằng tỷ lệ rủi ro đó nằm ở trong mức có thể chấp nhận để đảm bảo sức khỏe cho nhiều người hơn. Chưa kể, nguyên nhân có thể không phải do vắc-xin mà do quá trình bảo quản, do thực hiện sai quy trình. Và hậu quả từ mặt trái của sự đồng cảm này là sự nhiễm, mắc những căn bệnh của chính con cháu chúng ta, những căn bệnh đáng lẽ ra, nếu được tiêm vắc-xin hoàn toàn có thể phóng tránh được. Còn rất nhiều, rất nhiều những ví dụ khác, như những chính sách tốt không được tin tưởng chỉ vì sai lầm trong quá trình triển khai ở một vài địa phương, do một vài con sâu làm rầu nồi canh, mất nhân tính tham ô cả số tiền hỗ trợ người nghèo, làm ảnh hưởng đến lòng tin của mọi người dẫn đến tình trạng rất nhiều hoàn cảnh thực sự khó khăn không nhận được sự giúp đỡ cần thiết… 
        Trong chuyện này, cũng như rất nhiều vấn đề khác nữa, rất khó để phân định đúng sai, tốt xấu, nhưng sống trong một xã hội luôn ở trạng thái bùng nổ thông tin, trong đó có vô vàn tin rác từ những anh hùng bàn phím trên mạng xã hội, và hiệu ứng từ tâm lý đám đông có xu hướng ngày càng gây ảnh hưởng nhiều hơn; điều tốt nhất ta nên làm là luôn giữ tâm trí và tấm lòng rộng mở, có như thế ta mới có được tư duy phản biện, và nhận thức được điều gì ta thực sự nên làm để mang lại giá trị lớn nhất cho bản thân, cho mọi người và cho xã hội. 



Thứ Ba, 28 tháng 11, 2017

Đi tìm lẽ sống

Lẽ sống - hay ý nghĩa của cuộc sống càng ngày càng được đề cao trong cuộc sống hiện đại. Hàng triệu người trên thế giới đang quay cuồng mỗi ngày để tìm ra lẽ sống của mình, trong số đó, có rất nhiều người giàu có, tưởng như không thiếu thứ gì nhưng vẫn không cảm thấy hạnh phúc vì nghĩ rằng mình chưa tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống.
Vậy, lẽ sống có thực sự khó tìm thấy đến như vậy? Còn tùy vào bạn quan niệm như thế nào về lẽ sống? Nếu bạn coi lẽ sống là một điều gì đó đặc biệt lớn lao mà mọi sự cố gắng, mọi tâm huyết của bạn sẽ chỉ dành cho điều đó, không thay đổi cho đến cuối đời thì câu trả lời là rất rất khó để tìm được. Xét riêng quan điểm này, lẽ sống phần nào đó cũng giống như đam mê, có những người có được rất dễ dàng nhưng phần lớn mọi người chẳng bao giờ tìm ra. Tuy nhiên, nếu bạn thay đổi tư duy, từ bỏ những suy nghĩ lối mòn, thoát khỏi định kiến bị áp đặt bởi những thông tin trên phim ảnh, sách báo thì bạn sẽ nhận ra, lẽ sống không khó tìm kiếm như vậy. Và thậm chí, bạn sẽ không chỉ thấy một mà rất nhiều lẽ sống khác nhau ở nhiều lĩnh vực trong cuộc sống của bạn, đó có thể là hạnh phúc bên gia đình nhỏ của bạn, có thể là những niềm vui vì được cống hiến trong công việc hay sự tiến bộ từng ngày trong quá trình phát triển bản thân của chính bạn.
Đừng phức tạp hóa vấn đề, lẽ sống chỉ đơn giản là hướng tới một giá trị tốt đẹp, có ý nghĩa với chính bạn, không cần quá lớn lao, to tát mà chỉ cần giá trị đó mang lại cho bạn hoặc những người thân yêu của bạn niềm vui sống, hạnh phúc và cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa, như vậy thôi.

Nếu tôi biết trước...

Nếu tôi biết trước...
20171127

Nếu tôi biết trước, tôi đã làm hoặc đã không làm một điều gì đó? Bạn đã bao giờ tự nói với mình điều này? Có lẽ, bất kỳ ai trong chúng ta cũng từng ít nhất một lần tự hỏi như vậy, bởi vì, cuộc sống luôn cho chúng ta rất nhiều lựa chọn, và khi chúng ta chọn làm hoặc không làm một điều gì đó có nghĩa là chúng ta đã từ bỏ rất nhiều lựa chọn khác. Sẽ chẳng vấn đề gì nếu sau này nhìn lại chúng ta cảm thấy hài lòng và hạnh phúc với lựa chọn của mình nhưng rất tiếc, có quá nhiều lựa chọn khiến chúng ta cảm thấy hối tiếc, có thể là tiếc nuối một cơ hội qua đi, một mối quan hệ không còn hay chỉ đơn giản là tiếc nuối thời gian... Rõ ràng, nếu bạn biết trước giá trị tốt đẹp của một lựa chọn bị mình bỏ qua, chắc chắn bạn sẽ suy nghĩ kĩ hơn trong việc quyết định, có phải không? Nhưng cuộc đời như một dòng sông chảy xuôi, bạn không bao giờ có thể quay ngược thời gian để thay đổi quyết định của mình. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất không phải là những gì bạn đã chọn hoặc không chọn trong quá khứ - cho dù có thể đó là những bài học kinh nghiệm rất sâu sắc. Điều quan trọng nhất tôi muốn nói với bạn là: bất kể quá khứ của bạn như thế nào, bất kể bạn đã bỏ qua bao nhiêu cơ hội đi chăng nữa, thì bạn vẫn luôn có cơ hội lựa chọn để thay đổi tích cực hơn, hoàn thiện bản thân mình hơn và đạt được hạnh phúc và thành công như bạn mong muốn - chỉ cần bạn chọn sống tốt hơn mỗi ngày ngay từ thời điểm này, đến một lúc nào đó, bạn sẽ không còn phải nghĩ đến câu nói: Nếu tôi biết trước… nữa . Nhưng - một lần nữa tôi lại phải nhấn mạnh từ “nhưng”: Nhưng câu nói “không bao giờ là quá muộn” chỉ đúng khi bạn hành động ngay lập tức. Còn nếu bạn lấy câu nói này làm cớ để trì hoãn, thì rất có thể, bạn sẽ mãi mãi chẳng bao giờ thay đổi được. Và như vậy, đến cuối cuộc đời, bạn sẽ vẫn chỉ lặp lại điệp khúc “Nếu tôi biết trước…” mà thôi.
-------
Tôi đã có rất nhiều những lựa chọn sai lầm, nhiều đến mức bây giờ nếu cho tôi được lựa chọn lại, có lẽ sẽ phải quay ngược thời gian rất rất dài. Nhưng lựa chọn sai lầm nhất đối với tôi, cho đến tận thời điểm này, là việc tôi đã và đang để quá nhiều thời gian trôi qua vô ích trong cuộc đời mình. Từ hôm nay, tôi sẽ có trách nhiệm hơn trong mọi lựa chọn của mình, để mỗi giây phút trôi qua không còn là thời gian chết nữa…
Còn bạn? Bạn đã từng lựa chọn để rồi sau đó phải hối tiếc? Sẽ rất khó để bạn sửa chữa được sai lầm mình đã gây ra trong quá khứ, nhưng chắc chắn, bạn có thể lựa chọn để không còn phải nuối tiếc nữa. “Những gì qua cho qua, chỉ giữ lại chính mình” - hãy lạc quan lên và nếu có thể, hãy chia sẻ những điều bạn bắt đầu làm ngay từ giây phút này để sống tốt hơn 

Bạn có đang hạnh phúc?

Qua tivi, báo chí, chắc chắn ít nhất một lần bạn đã đọc và nghe thông tin về những vụ tai nạn thương tâm của những người di cư trái phép kh...